Tại Trung Quốc, các gia đình đang lo lắng trước hành vi táo tợn của lũ trộm mộ trong việc kinh doanh xác chết những cô gái cả trẻ và già. Nhiều gia đình bị mất đi xác của người thân chỉ vì một tập tục kì quái: “Đám cưới ma”.
Để tổ chức được một đám cưới ma thành công, điều kiện tiên quyết là phải có xác cô dâu
Nhất định phải cưới vợ cho chú rể đã chết vì sợ vận rủi
Đây là tục lệ giúp các gia đình hóa giải vận rủi vì có con trai chưa có hoặc chưa kịp cưới vợ thì đã không may chết trẻ. Vì tục lệ này mà hàng loạt các dịch vụ cung cấp tử thi đang mọc lên như nấm ở khắp các chợ đen, khiến cho nhiều xác chết của phụ nữ bị “bốc hơi”.
Tục lệ ghê rợn này bắt nguồn từ thế kỉ thứ X ở triều đại nhà Tống, vốn được thực hiện với hi vọng hồi sinh người chết. Thời ấy những bộ tộc thiểu số và rất nhiều người “miền xuôi” tin rằng người đàn ông chưa có vợ mà đã chết thì là vô cùng đen đủi, đáng sợ. Bởi lẽ, vận rủi không chỉ ám vào người đàn ông đã chết mà còn nguyền rủa cả gia đình anh ta, khiến cả gia đình, thậm chí cả dòng họ bị hồn ma ấy “ám quẻ” mãi mãi.
Không biết có phải do mê tín dị đoan hay bị những nỗi ám ảnh vô hình nào đó mà suy nghĩ này đã “thịnh hành” suốt một thời gian dài. Để hóa giải nỗi lo sợ này, người ta nghĩ ra cách tổ chức đám cưới cho người đàn ông yểu mệnh với một cô dâu ma khác.
Trong một vài trường hợp, tục lệ kì quái này đòi hỏi phải dùng những cô gái lớn tuổi hơn, phải nối lại phần xương bằng dây trước khi cho mặc trang phục cưới, rồi mới thực hiện nghi lễ cưới với người con trai đã chết, dù cho chú rể có ít tuổi hơn cô dâu đến vài chục tuổi cũng không thành vấn đề.
“Đám cưới ma” đã bị cấm vào thời cộng sản khi chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 1/10/1949. Theo pháp luật mới, tội đào trộm mộ có thể bị đi tù từ 3 năm trở lên.
Vì thế, ban đầu, sau lệnh cấm của chủ tịch Mao Trạch Đông vào những năm 50-60, thay vì phải làm đám cưới với “người chết thật”, họ đổi thành chụp ảnh người con trai với hình nộm phụ nữ làm từ bột mỳ hoặc giấy.
Nghi thức chuẩn bị cho đám cưới ma không khác gì cho người còn sống
Hình ảnh ma mị của cô dâu trong hủ tục đáng sợ
Thế nhưng những người lớn tuổi trong làng cho rằng thay đổi tục lệ sẽ không có tác dụng, vận rủi vẫn sẽ ám vào gia đình. Và quả thật, việc chụp ảnh với hình nộm phụ nữ làm từ giấy chỉ duy trì được trong vài chục năm ngắn ngủi.
Đến nay, các khu vực nông thôn ngày càng phát triển kéo theo việc tục lệ dùng xác thật bắt đầu phổ biến trở lại ở tỉnh Sơn Tây, phía Bắc tỉnh Hà Nam và tỉnh Thiểm Tây.
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện ít nhất trong tháng 2/2016 này đã xảy ra 36 vụ án khả nghi về đào trộm mộ. Ông Lin Xu, Phó giám đốc Cục cảnh sát Hồng Đồng, tỉnh Sơn Tây cho rằng ít nhất 3 tá xác chết phụ nữ đã bị mất tích trong khu vực chỉ trong một tuần.
Có một thời gian ngắn, người ta không dám trộm xác mà thay vào đó chuẩn bị hình nộm…
… và làm lễ kĩ càng vì sợ bị bỏ tù
Phía cảnh sát tin rằng tử thi của những người phụ nữ đã chết bị những tên trộm bất lương bán cho các gia đình bất hạnh với cái giá vài vạn nhân dân tệ (tương đương với từ 100 triệu VNĐ trở lên).
Ông Chang Sixin, một người có chức vụ trong ngành công an tỉnh Hà Nam nói rằng dịch vụ mai mối xác phụ nữ với người đàn ông độc thân đang ngày càng phát triển, bởi lẽ:
“Một xác phụ nữ mới chết có giá ở chợ đen lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu VNĐ), còn nếu chỉ tính xương không cũng đã có giá khoảng 5.000 nhân dân tệ (tương đương 15-16 triệu VNĐ).
Bọn trộm mộ thậm chí còn cả gan bán cả xương phụ nữ vì cái giá đưa ra là quá hời
Buôn bán lãi lời như vậy nên bọn trộm mộ rất tích cực hoạt động và phấn đấu, dù có gian khổ, sợ hãi và bị phạt nặng đến mấy. Dù sao, thời gian ngồi tù cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền chúng kiếm được trước khi bị tóm cổ”.
Có ít nhất 1 vụ giết người có liên quan đến nghi lễ quái đản này. Vào năm 2011, một người đàn ông ở Thiểm Tây đã bị bắt giữ vì giết vợ để bán xác đi. Năm 2015, 3 người đàn ông khác tại tỉnh Sơn Tây bị bắt giữ khi đang cố bán các thi thể với giá hơn 250.000 nhân dân tệ (hơn 750 triệu VNĐ).
Theo một người từng mua xác có tên Jing Gouzi cho biết: “Anh trai tôi lớn tuổi nhưng chưa vợ, mắc bệnh đột tử qua đời. Vốn tôi và vợ mình đã nghĩ đến việc sử dụng hình nộm phụ nữ bằng bột nhưng những người già trong làng cứ khăng khăng phải dùng xác thật mới tránh được vận rủi.
Chạy vạy mãi tôi mới đủ tiền mua một cái xác về để làm đám cưới cho anh, không làm không được vì gia đình chúng tôi ai cũng sợ hãi vận rủi và sự xui xẻo sẽ “hoành hành, làm hại tất cả”.
Nỗi đau của gia đình người thân của những nạn nhân bị trộm mộ
Nhiều gia đình trong thôn trước đây chủ quan không chịu làm theo lời già làng hầu như đều có vấn đề hết, họ chỉ cứng đầu cứng cổ được dăm bữa nửa tháng rồi cũng phải làm đám cưới ma hết cả. Vì thế, làm sao mà gia đình tôi lại dám đi ngược truyền thống ấy chứ?”.
Nỗi lo và cách bảo quản xác lạ đời
Người đàn ông trẻ có tên gọi Guo Qiwen đang tìm thi thể người mẹ mình đã chôn cách đây 1 năm. Ông nói: “Tôi đã dành 50 vạn Nhân Dân Tệ (hơn 160 triệu VNĐ) để tìm thi thể mẹ mình. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì để cảnh bà ra đi mà không toàn thây, thậm chí là bị quật mồ trộm xác”.
Các vụ đào mộ, lấy tử thi ngày một nhiều lên, lũ trộm hoành hành ngày một ngang ngược
Từ lúc vấn nạn xảy ra, nhiều tử thi bị mất tích chỉ sau khi chôn vài giờ đồng hồ hoặc vài ngày khiến người thân và gia đình họ băn khoăn lo lắng khôn nguôi. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người quyết định xây lăng mộ cho những người phụ nữ trong gia đình thay vì chôn mộ riêng. Một vài gia đình có điều kiện còn xây cả lăng mộ bọc thép có camera giám sát và bảo vệ canh giữ.
Ở Việt Nam cũng đã diễn ra những vụ trộm mộ để trộm xương, đào cổ vật hay vì mục đích tư thù. Có thể kể đến những vụ án đào trộm mộ sau:
1. Cuối năm 2012, ông Nguyễn Hồng Quân (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) khi đến thăm mộ mẹ tại nghĩa trang Tân Mai choáng váng khi thấy phần mộ đã sang cát bị đào bới. Kiểm tra hài cốt của cụ bà qua đời từ 5 năm trước, người thân phát hiện bị mất hộp sọ. Tại ngôi mộ có tờ giấy ghi dòng chữ: “Muốn lấy lại, liên lạc số này (số điện thoại) nhưng phải kín…”.
2. Cũng vào dịp cuối năm 2012, ông Hoàng Kim Cung ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An ra nghĩa trang dọn dẹp, thắp hương chuẩn bị cho ngày giỗ cha thì phát hiện ngôi mộ của cụ thân sinh mất năm 1990 bị đào xới tung tóe, hài cốt vương vãi, tấm vải điều dùng để bọc xương biến mất.
3. Sáng ngày 6/3/2012, bà Nguyễn Thị Minh Thắm (45 tuổi, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) dẫn theo một nhóm người đến ngôi mộ cổ nằm trong vườn của người dân ở khối phố 8 (phường An Sơn) để đào bới. Người dân xung quanh thắc mắc, bà giải thích được chủ ngôi mộ thuê cất bốc với giá 35 triệu đồng, trưng văn bản có đóng dấu giả của chính quyền. Ngôi mộ có niên đại khoảng 300 năm tuổi, hậu duệ của người quá cố sống ở TP. Huế nên người dân không nghi ngờ.
Sau khi làm lễ cúng bái, bà Thắm chỉ đạo nhóm người hối hả đập những tảng đá nặng hàng tấn. Một số người dân hiếu kỳ đứng xem nhưng khi quan tài phát lộ thì bị bà Thắm đuổi về. Trưa cùng ngày, khi nhóm người này đã rời đi, người dân phát hiện mộ cổ đã bị xới tung, xương cốt nằm vương vãi. Nghi ngờ đây là vụ đào trộm mộ, sự việc được trình báo công an. Bị khởi tố về hành vi xâm phạm mồ mả, bà Thắm khai biết chủ nhân ngôi mộ là người giàu có nên đào để tìm cổ vật.
4. Ngày 31/1/2016 sau 1 ngày chôn cất, thi thể bà cụ 93 tuổi ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã bị kẻ gian đào bới và lấy mất một phần thi thể. Theo người dân địa phương thì gia đình của người quá cố sống hiền lành và không có mâu thuẫn, thù hằn với bà con lối xóm nên nghi vấn trả thù cá nhân có thể được loại trừ. Nhận định ban đầu có thể kẻ gian đánh cắp xương bánh chè người quá cố để bào chế phương thuốc chữa bệnh.
Với một trong bốn vụ đào trộm mộ này, kẻ thủ ác khi bị cơ quan chức năng tóm gọn đã bị tuyên án 6 – 11 năm tù giam.
from WordPress http://ift.tt/1SJImcL
via Day Noi Mi
0 nhận xét:
Post a Comment